Hiện nay, Phần mềm tự do nguồn mở đã và đang thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các công ty lập trình cũng như người sử dụng, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ các quốc gia hàng đầu thế giới và số lượng phần mềm cũng như người dùng đã tăng lên một cách chóng mặt và được ứng dụng ở mọi lĩnh vực. Trái ngược với phần mềm mã nguồn mở là phần mềm thương mại, đó là phần mềm mà mã nguồn không được công bố mà muốn sử dụng phần mềm thương mại chỉ có một cách duy nhất là mua lại bản quyền sử dụng từ các nhà phân phối chính thức của hãng. Các hình thức tự do sao chép và sử dụng phần mềm nguồn đóng bị xem như là không hợp pháp.
Vậy Phần mềm tự do nguồn mở là gì?
Phần mềm tự do nguồn mở (Free and open-source software, viết tắt là FOSS) là thuật ngữ bao gồm Phần mềm tự do (free software) và Phần mềm nguồn mở (open source software, viết tắt là OSS). Có nghĩa là phần mềm sẽ cung cấp bất cứ người dùng quyền được sử dụng, sao chép, thay đổi và chỉnh sửa phần mềm mà không bị giới hạn. Mã nguồn được chia sẻ công khai để mọi người có thể chỉnh sửa, cải tiến phần mềm thông qua kho mã nguồn được cung cấp của phần mềm theo cách tự nguyện và tự do.
Nguồn mở bắt đầu vào Việt Nam những năm cuối thập niên 1990, có lẽ vào khoảng thời gian ra đời của tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở – OSI (Open-Source Initiative) vào năm 1998 ở nước Mỹ, tổ chức bảo vệ cho phong trào phần mềm nguồn mở toàn thế giới. Tới lượt mình, OSI được thành lập từ một nhóm người tách ra từ phong trào phần mềm tự do được một tổ chức khác là Quỹ Phần mềm Tự do – FSF (Free Software Foundation), tổ chức bảo vệ cho phong trào phần mềm tự do toàn thế giới, được thành lập vào năm 1984 cũng ở nước Mỹ.
Nguồn mở dù bắt đầu bằng phần mềm, nhưng sau đó lan nhanh sang các lĩnh vực khác. Chính triết lý và thực hành của phần mềm tự do nguồn mở trong thế kỷ 20 đã truyền cảm hứng để đầu thế kỷ 21 hàng loạt các khái niệm mở liên quan tới các dạng nội dung khác nhau ra đời, như truy cập mở, tài nguyên giáo dục mở, hay dữ liệu mở.
Đâu là những lợi ích mà Phần mềm tự do nguồn mở mang lại?
✅Chi phí ban đầu: Có rất ít hoặc không có chi phí trả trước cho phần mềm nguồn mở. Chỉ cần tải xuống mã từ một nguồn hợp pháp là có thể cài đặt sử dụng. Tuy nhiên, không có chi phí ban đầu không có nghĩa là không có bất kỳ chi phí nào.
✅Độ tin cậy: Phần mềm mã nguồn mở có độ tin cậy cao. Có hàng nghìn chuyên gia phát triển làm việc để tạo ra và không ngừng cải tiến phần mềm nguồn mở. Điều này có nghĩa là có nhiều khả năng ai đó sẽ nhận ra một lỗ hổng hoặc một lỗi và sửa chữa nó ngay lập tức.
✅Tuổi thọ: Bởi vì bất kỳ ai cũng có thể truy cập mã nguồn, phần mềm nguồn mở có thể phát triển liên tục. Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp để làm cho phần mềm trở nên tốt hơn mà không có bất kỳ giới hạn nào của nhà cung cấp.
✅Bảo mật: Những người ủng hộ mã nguồn mở khẳng định rằng phần mềm nguồn mở về tổng thể an toàn hơn so với phần mềm độc quyền. Các lỗi và các vấn đề khác có xu hướng được xử lý ngay khi các thành viên cộng đồng phát hiện ra chúng.
✅Tính linh hoạt: Người sử dụng phần mềm nguồn mở được hưởng lợi từ quyền tự do sửa đổi phần mềm theo cách phù hợp với nhu cầu kinh doanh của họ. Không giống như phần mềm thương mại, cần phải tuân thủ các yêu cầu và giới hạn của nhà cung cấp, người dùng nguồn mở có toàn quyền kiểm soát phần mềm của họ. PMNM không bị giới hạn bởi thỏa thuận người dùng cứng nhắc liên quan đến phần mềm độc quyền.