Ngày nay, “phần mềm nguồn mở” đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người nhất là với những người học và làm về CNTT, tuy nhiên có một số khái niệm về phần mềm tự do nguồn mở đang bị hiểu chưa đúng, hãy cùng iWay tìm hiểu nhé!
- Phần mềm tự do nguồn mở (PMNM) là phần mềm không có bản quyền: Khi áp dụng PMNM mọi người đều chỉ nghĩ đơn giản là miễn phí và do đó coi là phần mềm không có bản quyền nhưng thực tế thì ngược lại, nói chung (trừ PMNM đặt ở public domain – mã nguồn cho download tự do không kèm giấy phép hoặc giấy phép không kèm theo bất cứ ràng buộc gì) đều là phần mềm có bản quyền: có tác giả, có giấy phép sử dụng quy định các ràng buộc khi sử dụng, thay đổi và phân phối phần mềm.
- Dùng phần mềm tự do nguồn mở (PMNM) sẽ không phải trả chi phí gì cả: Đúng là PMNM không mất phí giấy phép sử dụng, song vẫn phải “mua” nhiều thứ từ tư vấn, tùy biến , cài đặt, huấn luyện, chuyển đổi, bảo hành, bảo trì. Với PMNM thì đây là các gói dịch vụ khác nhau đi kèm và các khách hàng thể chọn mua các gói mà mình không tự làm được hoặc tự làm đắt hơn. Có những trường hợp chi phí đầu tư ban đầu cho áp dụng PMNM tại một cơ quan hay doanh nghiệp có thể không kém, thậm chí có trường hợp còn nhỉnh hơn việc mua sắm một giải pháp thương mại đóng gói tương đương tuy nhiên lợi ích lâu dài của áp dụng PMNM là rất lớn như giảm phụ thuộc vào một nhà cung cấp độc quyền, làm chủ công nghệ để phát triển bền vững, phát huy nội lực, giảm “chảy máu” chất xám và ngoại tệ, đảm bảo an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật.
- Phần mềm nguồn mở cũng giống phần mềm miễn phí: Phần mềm nguồn mở (open-source software) hoặc phần mềm tự do (free sorfware) thì được sử dụng mã nguồn miễn phí, nhưng phần mềm miễn phí (freeware) và phần mềm chia sẻ (shareware) thì chưa chắc đã được tiếp cận mã nguồn.
- Phần mềm nguồn mở thì không bảo mật và an toàn vì mã nguồn mở: Quá trình phát triển phần mềm nguồn mở sẽ được công khai các mã nguồn và có thể được nhiều người trong cộng đồng tham gia đóng góp, các lỗi (nếu có) có thể được phát hiện ngay và được cả một cộng đồng đóng góp vì thế phần mềm nguồn mở sẽ tốt hơn và đạt mức an toàn an ninh cao hơn nhiều so với phần mềm phát triển theo phương pháp phát triển phần mềm nguồn đóng. Ngoài ra cần phân biệt “bảo mật” và “an toàn an ninh thông tin” vì hai khái niệm này khác nhau, “Bảo mật” mã nguồn (giấu kín mã nguồn như phần mềm nguồn đóng) không có nghĩa là đảm bảo an toàn an ninh thông tin hơn phần mềm nguồn mở (cho dù phần mềm nguồn mở không “Bảo mật” mã nguồn).
- Chẳng biết phần mềm nguồn mở có vai trò gì: Trước tiên cần phải hiểu PMNM là một kho tàng quý giá, tài sản trí tuệ miễn phí của nhân loại có thể giúp ích chúng ra nhanh chóng làm chủ công nghệ, tận dụng tri thức và kỹ năng của thế giới Nguồn mở để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình chuyển đổi số một cách bền vững, tự chủ và an toàn. Chuyển đổi số là nội hàm cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, là một quá trình lâu dài và không ai có thể làm thay cho mỗi tổ chức, DN và PMNM đã có mặt và đóng vai trò quan trọng trong tất cả các công nghệ đặc thù của CMCN 4.0 như AI, Big Data, IoT, trong tất cả các nền tảng để tạo ra một thế giới số thông minh. Nếu tận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo PMNM sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tạo ra các giải pháp “make in Vietnam” dựa trên PMNM cho công cuộc chuyển đổi số của mình.
Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của iWay đã giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn về PMNM nhé!